So với các gói bảo hiểm truyền thống, bảo hiểm liên kết chung có tính linh hoạt và mở rộng hơn. Ngoài mục đích chính là bảo vệ khách hàng, bảo hiểm liên kết chung còn giúp tiết kiệm và đầu tư an toàn. Với mệnh giá bảo vệ cao, tính linh hoạt của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, khách hàng có thể yên tâm trước các rủi ro khôn lường trong cuộc sống, đồng thời có thể nắm được sự vận động của dòng tiền thông qua các kết quả đầu tư.
Vậy bảo hiểm liên kết chung là gì? Bài viết sau đây Medplus sẽ cung cấp thông tin chi tiết, rõ ràng về loại hình bảo hiểm này.
1. Bảo hiểm liên kết chung là gì?
1.1. Định nghĩa bảo hiểm liên kết chung
Bảo hiểm liên kết chung là một trong những sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ. Trong đó phí và quyền lợi của bảo hiểm rủi ro được tách bạch với phần đầu tư. Sản phẩm này linh hoạt cho bên mua bảo hiểm trong việc xác định phí và số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng.
1.2. Đặc điểm của bảo hiểm liên kết chung
Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được quy định theo Điều 2, Thông tư 52/2016/TT-BTC:
“1. Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
2. Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu được doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các Khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.”
Từ đó có thể hiểu rằng, phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung sẽ được chia thành 2 phần:
- Phần bảo hiểm: Là phần nghĩa vụ bồi thường của công ty bảo hiểm cho người thụ hưởng nếu chẳng may người được bảo hiểm gặp rủi ro dẫn đến tử vong hay thương tật vĩnh viễn.
- Phần đầu tư: Công ty bảo hiểm sử dụng để đầu tư vào quỹ liên kết chung đang sở hữu.
Toàn bộ kết quả đầu tư quỹ liên kết chung của doanh nghiệp sẽ do bên mua bảo hiểm hưởng nhưng không thấp hơn lãi suất mà hai bên ký kết hợp đồng. Phía doanh nghiệp sẽ được hưởng những khoản phí mà bên mua bảo hiểm phải trả, điều này cũng được ghi nhận tại hợp đồng.
Ngoài ra, giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm liên kết chung cũng nên được chú ý đến. Giá trị hoàn lại ở đây được hiểu là giá trị hợp đồng trong quỹ liên kết chung vào ngày hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trừ chi phí hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Do đó, khách hàng hãy theo dõi bảng minh họa thực tế quyền lợi bảo hiểm để luôn nắm rõ giá trị tài khoản hợp đồng của mình.
1.3. Quyền lợi của người mua bảo hiểm
Theo Thông Tư 52/2016/TT – BTC, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm liên kết chung cụ thể như sau:
“1. Quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm liên kết chung bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư.
2. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro:
- a) Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải bảo đảm số tiền bảo hiểm tối thiểu không thấp hơn 5 lần phí bảo hiểm định kỳ năm đầu đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ hoặc không thấp hơn 125% số phí bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần.
- b) Quy định về quyền lợi tối thiểu trong trường hợp tử vong không áp dụng đối với các Khoản phí bảo hiểm đóng thêm quy định tại Điều 7 Thông tư này.
- c) Doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp sản phẩm bảo hiểm bổ trợ cho sản phẩm bảo hiểm liên kết chung. Phương thức đóng phí bảo hiểm cho các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ sẽ do các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng.
3. Quyền lợi đầu tư: Bên mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư của quỹ liên kết chung với tỷ suất đầu tư tối thiểu quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận về nội dung và phương thức chi trả quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”
2. Các quy định về bảo hiểm liên kết chung
2.1. Quy định về khoản phí bên mua bảo hiểm phải trả
2.1.1. Các khoản phí mà bên mua bảo hiểm phải trả
Các khoản phí mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép tính cho bên mua bảo hiểm được quy định theo pháp luật bao gồm:
- Phí ban đầu: Là các khoản phí được phép khấu trừ trước khi doanh nghiệp phân bổ phí bảo hiểm vào quỹ liên kết chung.
- Phí bảo hiểm rủi ro: Doanh nghiệp dùng khoản phí này để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro cam kết trong hợp đồng bảo hiểm.
- Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm: Là khoản phí được sử dụng cho việc duy trì, quản lý, cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
- Phí quản lý quỹ: Là khoản phí liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý quỹ liên kết chung. Theo quy định thì tỷ suất đầu tư thanh toán cho bên mua bảo hiểm sẽ không thấp hơn tỷ suất tối thiểu cam kết trong hợp đồng.
- Phí hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm: Khoản phí này được áp dụng khi khách hàng có nhu cầu chấm dứt hợp đồng trước hạn. Các chi phí liên quan sẽ được bù đắp bằng khoản tiền này.
- Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí nêu trên đảm bảo phù hợp với cơ sở kỹ thuật của sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và thông báo cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
Hợp đồng bảo hiểm liên kết chung phải quy định rõ các Khoản phí nói trên bao gồm cả các mức tối đa sẽ áp dụng cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai rõ ràng, đầy đủ các loại phí và mức tối đa áp dụng cho bên mua bảo hiểm trong các tài liệu giới thiệu sản phẩm và tài liệu minh họa bán hàng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng và trong hạn mức tối đa đã được quy định tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thay đổi tỷ lệ các loại phí áp dụng sau khi thông báo và thỏa thuận với bên mua bảo hiểm bằng văn bản ít nhất ba (03) tháng trước thời Điểm chính thức thay đổi.
2.1.2. Phí bảo hiểm đóng thêm
Ngoài phần phí bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung. Toàn bộ phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được đầu tư vào quỹ liên kết chung sau khi trừ đi một khoản phí ban đầu.
Trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá năm (05) lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.
2.2. Điều kiện đối với công ty bảo hiểm
Điều kiện đối với công ty bảo hiểm khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm liên kết chung là gì? Theo Điều 4, Thông tư 52/2016/TT – BTC quy định về các điều kiện mà doanh nghiệp cần đáp ứng, cụ thể:
- Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 100 tỷ đồng.
- Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để quản lý và kiểm soát quỹ liên kết chung một cách thận trọng và hiệu quả.
- Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.
3. Lưu ý khi tham gia bảo hiểm liên kết chung
Những lưu ý khi tham gia bảo hiểm liên kết chung mà khách hàng cần biết là:
- Cần xem xét và cân đối cả quyền lợi bảo vệ lẫn quyền lợi đầu tư để đưa ra phương án tham gia hợp lý.
- Hiểu rõ phần lãi suất cam kết trong hợp đồng. Thứ nhất là phần lãi suất cam kết không tính trên phí bảo hiểm hàng kỳ mà dựa vào giá trị tài khoản. Thứ hai là lãi suất cam kết dài hạn, không nên nhìn vào mỗi năm đầu mà so sánh.
- Việc cần thiết đó chính là đọc hợp đồng thật kỹ, chú ý các điều khoản và nhất là các khoản phí bị trừ trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực, đặc biệt vào những năm đầu tiên,…
4. Có nên mua bảo hiểm liên kết chung không?
Bất cứ ai trong chúng ta cũng biết rằng rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào và khó có thể tránh khỏi. Rủi ro gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, tài sản thậm chí là tính mạng của người gặp phải. Nên việc đầu tư cho mình gói bảo hiểm liên kết chung sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính hơn và bạn có thể tự chủ động ứng phó kể cả trong trường hợp xấu nhất.
Sau đây là những lí do mà bạn nên mua bảo hiểm liên kết chung:
- Bảo vệ cho khách hàng nếu chẳng may gặp rủi ro về bệnh hiểm nghèo, thương tật, qua đời vì tai nạn, đột quỵ,…
- Sản phẩm phù hợp với người là trụ cột tài chính trong gia đình hoặc đang có dự định trong tương lai như mua nhà, ô tô, đầu tư giáo dục cho con em,…
- Công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư luôn đảm bảo tính minh bạch, chính xác và rõ ràng.
- Bạn có thể rút tiền nhiều lận, nếu vay thì được hỗ trợ lên đến 80% giá trị hợp đồng.
- Có thể thay đổi tăng hoặc giảm phí bảo hiểm mà không cần phải tham gia một hợp đồng mới.
5. Kết luận
Medplus đã trả lời câu hỏi bảo hiểm liên kết chung là gì cũng như những thông tin cần biết về bảo hiểm liên kết chung rồi. Bảo hiểm liên kết chung là sản phẩm có nhiều ưu điểm và quyền lợi vượt trội, đồng thời hợp đồng bảo hiểm rõ ràng, minh bạch với các khoản phí bảo hiểm, chi phí phải trả, quyền lợi bảo vệ và quyền lợi đầu tư giúp khách hàng nắm chắc thông tin sản phẩm mình tham gia.
Hy vọng bạn sẽ cân nhắc thật kỹ và lựa chọn được gói bảo hiểm liên kết chung phù hợp với bản thân và gia đình.
Xem thêm
- #2022 Mua bảo hiểm sức khỏe Trực tuyến hay Ngoại tuyến: Cái nào tốt hơn?
- 10 biệt ngữ về bảo hiểm sức khỏe thường gặp nhất mà bạn cần lưu ý
- 5 điểm khác nhau giữa Đồng thanh toán và Khấu trừ bạn cần biết
- Bảo hiểm bổ sung trả phí là gì?- 3 điều cơ bản cần biết
- Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: lý do chọn và 7 điều bạn cần biết
- Bảo hiểm bổ trợ là gì? 5 thông tin quan trọng cần biết
- Bảo hiểm cho trẻ đi học? Nên mua bảo hiểm nào cho con khi ở tuổi đến trường?
- 8 lời khuyên hữu ích khi so sánh bảo hiểm sức khỏe
- Bảo hiểm ô tô tự nguyện: Kinh nghiệm khi mua [2023]
- 4 việc cần làm để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm sức khỏe của bạn ngay hôm nay!
- Bảo hiểm an sinh giáo dục: Tầm quan trọng khi mua [2023]
- Bảo hiểm tai nạn con người – 8 Yếu tố quan trọng để lựa chọn chương trình bảo hiểm tai nạn con người