Hợp đồng bảo hiểm là gì? Có các loại hợp đồng bảo hiểm nào trong quy định của pháp luật? Tính chất đặc biệt của hợp đồng bảo hiểm là gì? Sau đây hãy cùng Medplus giải đáp các thắc mắc này nhé.

1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?

HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM LÀ GÌ?
HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM LÀ GÌ?

Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

(Khoản 10 Điều 3, khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000)

2. Các loại hợp đồng bảo hiểm

Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 liệt kê 4 loại hợp đồng bảo hiểm:

– Hợp đồng bảo hiểm con người;

– Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

– Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự;

– Hợp đồng bảo hiểm hàng hải.

2.1. Hợp đồng bảo hiểm con người

– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người.

– Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

+ Bản thân bên mua bảo hiểm;

+ Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;

+ Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;

+ Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

– Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

(Điều 32, 32 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000)

2.2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản

– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.

– Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó.

(Điều 40, 41 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000)

2.3. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định tại Điều 52 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.

– Số tiền bảo hiểm là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

(Điều 52, 54 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000)

2.4. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải

– Hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải, theo đó người được bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm theo thỏa thuận và người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo cách thức và điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng.

– Đối tượng hợp đồng bảo hiểm hàng hải là bất kỳ quyền lợi vật chất nào có thể quy ra bằng tiền liên quan đến hoạt động hàng hải, bao gồm:

+ Tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;

+ Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, tiền thuê tàu, tiền thuê mua tàu, tiền lãi ước tính của hàng hóa, các khoản hoa hồng, các khoản tiền cho vay, bảo đảm tiền ứng trước, chi phí bị nguy hiểm khi tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;

+ Trách nhiệm dân sự phát sinh do các rủi ro hàng hải.

– Số tiền bảo hiểm:

+ Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm phải kê khai số tiền cần bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm.

+ Số tiền bảo hiểm là số tiền mà người bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

+ Trường hợp số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm thấp hơn giá trị bảo hiểm thì người bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm, kể cả các chi phí khác thuộc phạm vi bảo hiểm.

+ Trường hợp số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm lớn hơn giá trị bảo hiểm thì phần tiền vượt quá giá trị bảo hiểm không được thừa nhận.

(Điều 303, 304, 312 Bộ luật Hàng hải 2015)

3. 4 đặc trưng cơ bản của hợp đồng bảo hiểm

ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

3.1 Hợp đồng bảo hiểm mang tính may rủi

Mối quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm mang tính chuyển dịch rủi ro. Sự chuyển dịch này chuyển từ người mua bảo hiểm sang bên nhận bảo hiểm. Nhờ các mối quan hệ bảo hiểm, bên mua bảo hiểm được đảm bảo về sự an toàn, kinh tế trong các trường hợp xuất hiện rủi ro về sức khỏe, tính mạng, tài sản.

3.2 Hợp đồng bảo hiểm theo mẫu cố định

Các điều khoản có trong hợp đồng bảo hiểm được cơ quan pháp luật hoặc doanh nghiệp bảo hiểm quy định theo mẫu cố định. Bên mua bảo hiểm không có quyền đàm phán, sửa đổi các điều khoản này.

3.3 Hợp đồng bảo hiểm có tính chất song vụ

Điều này có nghĩa là: Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm đều có nghĩa vụ đối với nhau. Việc thực hiện nghĩa vụ này là trách nhiệm của các bên tham gia, nghĩa vụ của bên này chính là quyền lợi của bên kia và ngược lại. Cụ thể:

Quyền lợi và nghĩa vụ của bên được bảo hiểm:

  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích chi tiết, đầy đủ về các điều khoản có trong hợp đồng;
  • Yêu cầu được giữ bí mật các thông tin đã cung cấp;
  • Được cấp hợp đồng bảo hiểm đã giao kết;
  • Được bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thoả thuận;
  • Đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
  • Chuyển nhượng hợp đồng theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin yêu cầu cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;
  • Khi có sự thay đổi liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì phải thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Nộp phí bảo hiểm đầy đủ;
  • Thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra cho doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất.

Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm:

  • Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận đã ký trong hợp đồng;
  • Yêu cầu bên được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đầy đủ, chính xác, trung thực;
  • Đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
  • Từ chối bồi thường khi có sự kiện xảy ra nhưng không nằm trong phạm vi trách nhiệm;
  • Yêu cầu bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đề phòng rủi ro, hạn chế tổn thất.
  • Giải thích rõ các điều khoản, quyền và nghĩa vụ cho bên mua.
  • Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi ký hợp đồng cho bên mua;
  • Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp phải trả tiền hoặc bồi thường kịp thời cho bên được bảo hiểm;
  • Khi từ chối trả tiền hoặc bồi thường: Phải giải thích rõ cho bên được bảo hiểm lý do tại sao bằng văn bản;
  • Phối hợp với bên mua để giải quyết yêu cầu bồi thường của người thứ ba khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra;
  • Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3.4 Không xác định tính đền bù trong hợp đồng tại thời điểm giao kết trừ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết và có hiệu lực, các quan hệ bảo hiểm sẽ được hình thành. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc bồi thường cho bên được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Sự kiện bảo hiểm hay các rủi ro mà bên mua bảo hiểm có thể gặp phải là giả thiết nằm ở tương lai, mang tính khách quan. Không ai có thể đảm bảo rằng đó là sự kiện hay rủi ro gì, xảy ra khi nào, ở đâu, mức độ tổn thất là bao nhiêu…

Khi sự kiện này xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền, bồi thường cho bên được bảo hiểm theo Điều 571 Bộ luật dân sự 2005. Do đó, có thể hiểu rằng, mua bảo hiểm là để phòng ngừa các rủi ro không mong muốn trước khi nó xảy ra. Khi rủi ro xảy đến, bạn sẽ được bảo hiểm đền bù một khoảng tương xứng, giúp khắc phục tổn thất.

Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm cũng không thể dám chắc được. Bảo hiểm nhân thọ không chỉ đơn thuần là chuyển giao rủi ro mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu tích lũy tài chính, đầu tư… của khách hàng.

4. Kết luận

Bài viết trên đã giải thích hợp đồng bảo hiểm là gì, các loại hợp đồng cơ bản trong bảo hiểm và 4 đặc trưng cơ bản của hợp đồng bảo hiểm. Bạn có thể xem thêm Bệnh đặc biệt trong bảo hiểm là gì để biết thêm về các thuật ngữ cơ bản trong bảo hiểm nhé!  

 

 

Để lại một bình luận