Thời tuổi trẻ, chúng ta luôn sống hết mình vì mọi thứ với hy vọng trải nghiệm những sóng gió cuộc đời, từ đó vươn dậy đứng lên như tre trúc mạnh mẽ đâm chồi trong trời giông bão. Khi cơn bão kết thúc, có thể bạn sẽ không nhớ mình đã vượt qua nó như thế nào, thậm chí không biết rằng liệu cơn bão đã thực sự kết thúc hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi bước ra khỏi cơn bão, bạn không còn là bạn trước đó nữa.
Sau khi sắp xếp được một khoảng thời gian nghỉ ngơi và tạm gác lại công việc, tôi cùng một vài người bạn quyết định quay về thăm trường đại học cũ. Trước là để thăm các thầy cô, sau là gặp các em khóa dưới để tâm sự về cuộc sống đại học. Để nói về bản thân, trước đây, tôi từng là chủ tịch câu lạc bộ tiếng Anh của khoa nên cũng gọi là có chút tự hào để hôm nay quay trở lại dìu dắt các thế hệ sau trưởng thành và tiếp bước chúng tôi xây dựng câu lạc bộ phát triển vững mạnh.
Gặp các em, tôi và mọi người đều ấn tượng về nguồn năng lượng tươi mới của tuổi trẻ mà các em mang lại. Các em lúc nào cũng cười nói không ngớt, cứ hai ba câu lại ngặt nghẽo cười phá lên, tôi cũng thấy đến xấu hổ vì ồn ào cả một góc quán cafe. Tuy nhiên, bên cạnh những phút giây hồn nhiên và vui vẻ ấy, tôi lại trở nên đăm chiêu khi nghe các em – những người trẻ của thế hệ gen Z – chia sẻ về sự lo âu của mình.
Sơn – một cậu thanh niên tướng tá hơi nhỏ con nên được cái nhanh nhẹn. Cậu chàng phát âm tiếng anh rất chuẩn và miệng thì lúc nào cũng tíu tít với những câu chuyện cười mang đậm hương vị mặn mà của biển. Nhấp một ngụm cafe, em chia sẻ thời gian vừa qua điều lo lắng lớn nhất của em là không hiểu về chính mình. Ngày ôn thi và ngôi trường đại học điểm đầu vào thuộc dạng top thành phố, em cũng như nhiều bạn trẻ thi vào không phải vì đam mê của mình mà là do sự kỳ vọng của bố mẹ.
Em chia sẻ với chúng tôi với giọng nói có đôi chút lo âu, câu hỏi mà em trăn trở nhất, không phải là học phí môn này bao nhiêu, mai kiểm tra chương nào, mình đã học được gì, mà là “Em là ai?”, “Tại sao em lại ở đây?”, “Sau này ra đời em sẽ làm gì?”. Trong khi bằng tuổi em, tôi còn suy nghĩ ngày mai ăn gì, uống trà sữa ở đâu. Thật sự những câu hỏi được đặt ra khiến tôi suy nghĩ không ngừng vì sự lạc lối của em trong hành trình tìm kiếm bản thân của mình.
Việc em không thể hiểu được động cơ vì sao em lại có mặt ngôi trường này khiến tôi thật sự đau xót. Tôi thương cho em vì lý do đó mà tháng ngày vừa qua em cứ phải oằn mình lao vút đi như một mũi tên đã rời khỏi dây cung, nhưng đích đến mơ hồ, vô định. Nghĩ đến bản thân ngày trước, tôi thấy mình may mắn hơn các em. Dù thế hệ Y không được thừa hưởng sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhưng có lẽ chính vì điều đó nên chúng tôi có khả năng kết nối sâu hơn với bản thân và với mới người. Nhờ việc không có quá nhiều sự so sánh, không có quá nhiều những hào nhoáng của người khác, chúng tôi cứ thế có thể thoải mái khám phá bản thân mình và lớn lên trong tuổi thơ và thanh xuân thật yên bình.
Tâm – một cô bé có gương mặt giống em tôi nhưng là một cô bé hướng nội và khá ít nói, tuy nhiên điều tôi thích ở em là phong thái cần mẫn và tỉ mỉ trong từng việc. Em thuộc tuýp người thích chăm sóc mọi người, chỉ cần nhìn điệu bộ của em mời mọi người từng ly cafe, đếm từng tờ khăn giấy và sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người là tôi biết ngay. Nhưng điều em khiến tôi ấn tượng lại hoàn toàn khác, nội tâm em lại không giống như những gì tôi quan niệm về kiểu người như em. Tâm là một đứa trẻ nhiều tham vọng, ở em tôi thấy một sự đam mê phát triển bản thân và chuyên môn toàn diện và em cũng hy vọng sự nỗ lực đó sẽ giúp em viết nên một thời sinh viên rực rỡ.
Tôi lại nhớ tầm 10 năm trước, bạn sinh viên nào ở lớp tôi có được tấm bằng đại học là một lợi thế lớn và cầm trên tay chứng chỉ IELTS 6.5 đã ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, tấm bằng Cử nhân đã trở thành một điều quá phổ thông, điểm IELTS 6.5 là đầu vào của rất nhiều trường đại học. Đây cũng chính là một phần áp lực nhưng cũng là một động lực đủ mạnh khiến Tâm luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực không ngừng nghỉ mỗi ngày.
Em chia sẻ hoặc phải tự mình tìm kiếm một điều hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của thế giới hoặc phát triển bản thân theo hướng vạn năng – cái gì cũng phải biết nhưng chưa chắc đã hiểu sâu cái gì. Và Tâm chọn theo hướng biết tất cả vì em thấy mình đủ năng lực để thực hiện tốt mọi thứ và em tự tin vào điều đó. Tâm không muốn mình là một nạn nhân của thế hệ công nghệ và bị bỏ lại phía sau chỉ vì mình không biết đủ nhiều bằng những cá nhân tài giỏi khác.
Qua câu chuyện của em, tôi nhận thấy áp lực không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ truyền từ người này sang người khác. Ở đây là sự mong đợi của gia đình, sự hy vọng của thầy cô và sự tin tưởng của bạn bè. Vô hình chung, em mang trên vai mình trách nhiệm phải giỏi, và phải giỏi một cách hoàn hảo, vạn năng: học phải giỏi, tham gia câu lạc bộ phải tốt, thi các cuộc thi phải đậu, thực tập phải thực tập ở các công ty lớn. Vậy thì, giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân ở đâu khi ai cũng giỏi như vậy
Lắng nghe và chiêm nghiệm về khoảng cách thế hệ và áp lực lứa tuổi 20, tôi nhận ra rất nhiều điều chúng tôi thật giống nhau nhưng thế hệ Y vẫn có những sự khác biệt nhất định, đặc biệt là từ yếu tố môi trường bên ngoài.
Đối với thế hệ gen Z, các em vẫn còn luẩn quẩn với rất nhiều câu hỏi mông lung về bản thân trong đầu, ví dụ như: Lỡ mình chọn sai ngành học thì sao? Lỡ rằng những quyết định vào năm đầu 20 tuổi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, tương lai sự nghiệp của chúng ta sau này thì sao? Còn chúng tôi – thế hệ gen Y, dù đã từng rơi vào những trường hợp giống các em, nhưng cách giải quyết của chúng tôi thiết thực hơn và cố gắng tìm nguyên nhân vấn đề, thay vì việc các em để thành tích của những cá nhân xung quanh ảnh hưởng đến cả tâm trạng và thể chất của mình.
Đối với tôi, so với việc theo đuổi những tiêu chuẩn của thế giới 4.0 tạo ra từ những ảo ảnh hình mẫu trên mạng xã hội, thì việc quay trở lại và thật sự nói chuyện với bản thân, ngắt kết nối hoàn toàn với những ánh mắt của những người xung quanh là một việc quan trọng hơn rất nhiều.
Việc kết nối sâu sắc với con người bên trong cực kỳ hữu ích cho việc chúng ta thấu hiểu những góc khuất của bản thân và từ đó có những phương pháp chữa lành và phát triển phù hợp. Một khi tâm hồn bên trong các bạn thật mạnh mẽ, thì chắc chắn sẽ không có bất kỳ sóng gió nào của cơn bão có thể phá tan con người của bạn, ngay cả việc bước đi vào tâm bão – nơi cường độ bão mạnh nhất.
Theo tôi, để có thể chăm sóc bản thân thật tốt và toàn diện thì sức khỏe của cả bên trong lẫn bên ngoài, chúng ta cũng cần phải chú ý và nhìn nhận kịp thời. Để có một tâm hồn tích cực, tôi sẽ tìm đến các liệu pháp thiền, thư giãn, tập yoga để tạo thuận lợi cho việc trao đổi chất và thải bỏ những suy nghĩ độc hại.
Và đối với sức khỏe cơ thể, tôi chọn giải pháp sử dụng bảo hiểm nội ngoại trú. Hiện tại tôi và gia đình đặc biệt tin tưởng Bảo Việt An Gia vì không chỉ giúp tôi kiểm soát sức khỏe một cách tỉ mỉ theo từng tháng mà còn tập cho tôi một lối sống lành mạnh với thói quen lên kế hoạch tài chính cho những nguồn chi cần thiết.
Tôi tin rằng, với những chia sẻ của tôi dành cho các em sẽ phần nào giúp các em thấu hiểu được vấn đề của mình và dũng cảm đối mặt với những thử thách. Để khi các em bước ra khỏi cơn bão, chắc chắn các em đã hoàn toàn là một phiên bản khác của chính mình.