Chỉ cần có chút hy vọng le lói, người mẹ sẽ cố gắng nắm lấy để mang về sự sống cho đứa con của mình. Dù tương lai mờ mịt, bà Gấm cũng chẳng ngại ngần tiến từng bước một thật chậm để giúp con tỉnh lại.
Ra viện, bà Gấm đưa Quang về phòng trọ. Bà lên kế hoạch chi tiêu thật chi li để cùng con chống chọi với những khó khăn sắp tới. Bà Gấm mua máy xay sinh tố về xay thức ăn rồi bơm cho con qua đường ống. Thi thoảng, hai mẹ con lại vào viện lấy thuốc và thăm khám xem bệnh tình của Quang có tiến triển gì không.
Thời gian này, bà Gấm luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, bà tìm hiểu thêm các thông tin về cách chăm sóc người sống thực vật và luôn tin tưởng sẽ có ngày con mình nhận thức được trở lại. Em của Quang gọi điện xin mẹ nghỉ học lên phụ mẹ chăm anh, bà Gấm vừa khóc vừa mắng con, an ủi con cố gắng tự học hành để sau này Quang tỉnh lại, anh sẽ vui mừng vì em gái vẫn học hành tốt. Em gái Quang nghe lời mẹ, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, gửi đồ từ quê lên phụ mẹ chăm anh.
Khi thấy Quang bị tai nạn, họ hàng bà con nhà bà Gấm cũng đỡ đần bà rất nhiều. Tuy nhiên, vì họ còn phải đi làm để lo kinh tế nên suốt hành trình đi chữa bệnh, đa số chỉ có bà Gấm đồng hành cùng Quang. Chăm con hết từ tháng này qua tháng khác, nhiều khi phải đứng nhiều hơn ngồi, chạy đi chạy lại liên tục nên chân bà Gấm phát bệnh. Bà Gấm kể: “Giường bệnh mà bệnh nhân nặng nằm rất cao, có thêm thanh chắn nên tôi cứ phải đứng mới chăm sóc, lau rửa được cho con. Đứng nhiều như thế nên chân tôi bị giãn tĩnh mạch, bị khớp”.
Không chỉ có thế, việc ăn uống thất thường với những bữa ăn triền miên mỳ gói, thiếu rau xanh khiến bà Gấm bị đau dạ dày. Cuộc sống một mình chăm con bị bệnh, nuôi con đang đi học của người phụ nữ được hỗ trợ phần nào từ họ hàng và giải pháp bảo hiểm tai nạn mà Quang đã tham gia từ trước.
Tuy nhiên, hành trình tìm lại sự sống cho Quang là một hành trình dài, số tiền hằng tháng chưa đủ để nuôi sống một mẹ già không việc làm và một cậu con trai đang sống thực vật. Vậy nên, việc chi tiêu thế nào, ăn uống gì đều được bà Gấm tính toán chi li từng tí một.
Để có thể tiết kiệm một cách tối đa, bà Gấm thường đi xin cơm từ thiện. Cơm từ thiện thường phát vào buổi trưa. Bà Gấm xin hai suất cho hai mẹ cơn. Bữa trưa cả hai chỉ dám ăn một suốt, còn một suốt để dành cho bữa tối.
Ngoài ra, “người bạn” đồng hành cùng bà suốt thời gian chữa bệnh cho con là mỳ gói. Bà Gấm cho hay: “Tôi nhớ có lần siêu thị giảm giá chỉ còn 1.700 đồng một gói mỳ. Tôi mua liền 12 thùng mỳ vác về bệnh viện. Nhưng vì bệnh viện không cho để nhiều đồ cồng kềnh, tôi bèn gửi mỗi phòng hai hộp. Thấy tôi ăn mỳ hoài, một bác sỹ thương tình hỏi thăm. Lúc đó tôi chỉ cười, 1.700 đồng một bữa ăn là quá hời. Lo cho các dạ dày của tôi, bác sĩ mách tôi cách ăn mỳ “lành mạnh”. Cô ấy bảo tôi pha mì nhưng chỉ lấy phần sợi, đổ bỏ phần nước, sau đó lấy gói gia vị trộn vào ăn”.
Bà Gấm tranh thủ nhận chăm thêm người bệnh, xoa bóp chân tay, mua thức ăn giúp họ… để kiếm thêm tiền chữa trị cho con. “Bóp chân tay cho người bệnh cả một tuần tôi được trả 150.000 – 200.000 đồng. Chăm sóc người bệnh thì bình quân 50.000 đồng/người/ngày. Tôi nhận chăm thêm 2-3 người nữa, cộng thêm Quang nữa là 4”, người mẹ nhớ lại.
Ăn uống thất thường nhưng sức làm việc, chăm sóc bệnh nhân của bà Gấm bằng năm bằng mười người khác. Những y bác sĩ ở bệnh viện lúc nào cũng thấy bà thoăn thoắt. Nhiều người nhà đi chăm bệnh còn gọi bà là bà mẹ “siêu nhân” vì sự bền bỉ, chịu khó và nhẫn nại của bà.
Khi ở cạnh con, bà kể cho Quang nghe những câu chuyện gia đình, cho con nghe nhạc, xem tivi hoặc phim, không ngừng trò chuyện… chỉ mong một ngày con trai đáp lại hay gọi hai tiếng “mẹ ơi”.
Nỗ lực của người mẹ này cuối cùng cũng được đền đáp khi 7 tháng sau khi bị tai nạn, Quang đã nhận thức được trở lại. Người đầu tiên mà Quang nhận ra không ai khác chính là bà Gấm. Niềm hạnh phúc như vỡ òa, khoảnh khắc con trai gật đầu trước câu hỏi của bà khiến bà vui mừng khôn xiết. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình giành lại sự sống cho Quang.
Khoảng thời gian sau đó, bà Gấm nghĩ tới việc đưa con đi chữa trị để có thể đi lại được. Hai năm 2016 – 2017, Đình Quang bị liệt nửa người bên trái, nằm im trên giường, mọi hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Thi thoảng cần đi thăm khám thì gia đình cho Quang ngồi trên xe lăn để di chuyển.
Dù mệt mỏi nhưng bà Gấm luôn cố gắng từng chút, từng chút, bà nhớ lại: “Khi thấy có nhận thức, tôi đã nghĩ mình còn có thể hy vọng hơn nữa vào ngày con có thể đi lại, cười nói như trước đây. Cứ nghĩ vậy, tôi lại không ngừng cầu trời và làm mọi cách để đạt được điều đó”.
(Còn tiếp)