Nhận con nuôi có được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản không và nếu có thì thủ tục thừa hưởng sẽ như thế nào?
Ngày nay, không ít người hiếm muộn và phải nhận con nuôi. Vậy với những trường hợp đó, liệu nhà nước cũng như các công ty bảo hiểm có hỗ trợ chế độ bảo hiểm thai sản cho họ. Hãy tìm đáp án ở bài viết dưới đây cùng Medplus nhé!
1. Nhận con nuôi có được hưởng bảo hiểm thai sản không?
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Vậy với trường hợp nhận con nuôi, các mẹ vẫn có quyền hưởng chế độ bảo hiểm thai sản nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện sau:
- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 3 năm trở lên.
- Con nuôi phải dưới 6 tháng tuổi.
2. Mức hưởng bảo hiểm thai sản khi nhận con nuôi
Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Do trường hợp nhận con nuôi, người lao động được nghỉ cho đến lúc con đủ 06 tháng tuổi, vì vậy công thức tính mức hưởng được áp dụng như sau:
Mức hưởng khi nhận nuôi con nuôi = Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ x Số tháng nghỉ.
Ngoài ra, người lao động nhận nuôi con nuôi ngoài khoản tiền trên còn được hưởng trợ cấp một lần theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
3. Vẫn đi làm khi nhận con nuôi thì có được hưởng bảo hiểm
Khoản 5 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ thai sản như sau:
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo đó, tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Mức hưởng chế độ thai sản một tháng của người lao động nhận nuôi con nuôi bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Từ phân tích trên, người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi nhận con nuôi. Theo đó, khoản trợ cấp này do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, thời gian người lao động nghỉ việc sẽ không được hưởng lương do doanh nghiệp trả.
Như vậy, người lao động nhận con nuôi nhưng vẫn đi làm hưởng lương do doanh nghiệp trả thì không được hưởng chế độ thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.
4. Nộp hồ sơ hưởng chế độ khi nhận con nuôi ở đâu và cần những gì?
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
Theo đó, để được hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi, người lao động cần có những giấy tờ sau:
– Bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con.
– Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
Như vậy, với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên, người lao động nộp cho doanh nghiệp. Tiếp đó, doanh nghiệp sẽ lập danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.
5. Thời gian nhận tiền bảo hiểm sau khi nhận con nuôi
Căn cứ Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thủ tục giải quyết hưởng chế độ thai sản được thực hiện như sau:
– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định như trên cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
+ Trường hợp người lao động thôi việc trước khi nhận nuôi con nuôi: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
6. Lời kết
Bài viết trên đã tóm lược những thông tin về chế độ bảo hiểm thai sản với người nhận con nuôi.
Kết hợp với những thông tin được cung cấp, bạn nên liên hệ các công ty bảo hiểm uy tín để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc cặn kẽ, lựa chọn gói bảo hiểm thai sản và chế độ phù hợp với tình hình bản thân để không phải hối tiếc về bất kì khía cạnh nào.
Medplus luôn mong muốn được giúp đỡ các bạn tại đây!
- Bảo hiểm y tế: Trồng răng có được hưởng bảo hiểm? [2023]
- [9/2022] Bảo hiểm sức khỏe doanh nghiệp hoạt động như thế nào?
- Bảo hiểm trọn đời có giúp bạn đạt được mục tiêu về hưu không?
- Bệnh do virus Adeno và cách phòng tránh – 2022
- [2023] Đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tối đa bao nhiêu tháng?