Nhịp sống hối hả khiến nhiều con trẻ càng trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Sự cô đơn, lạc lõng bắt nguồn từ chính người thân nhất của con: bố mẹ.
Thời đại 4.0, mọi thứ đều kết nối nhưng lại khiến bố mẹ càng trở nên “xa” con cái hơn ngay cả khi các thành viên trong gia đình đang hiện diện dưới một mái nhà. Đặc biệt, nhiều trẻ sống trong những gia đình có điều kiện lại càng mất đi sự gắn kết với gia đình, thậm chí dẫn tới trầm cảm. Và câu chuyện của bé Hưng Thịnh dưới đây sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn điều mà các con muốn nói nhưng không được lắng nghe.
Hưng Thịnh là con út trong nhà nên được cưng chiều. Nhưng cưng chiều ở đây là ba mẹ, anh trai để mặc em với những đồ chơi chất đầy nhà, bánh kẹo trữ chật tủ. Vậy mà chỉ cần em nghịch ngợm một chút là hưởng trọn đòn roi từ phía mẹ.
Hôm cả nhà chuẩn bị đi ăn cưới, mẹ tìm cây son mới được tặng mãi không thấy. Tìm quanh thì Thịnh đang cầm cây son quẹt quẹt vào bức tranh đặt trên bàn, rồi lem ra cả tay và quần áo từ lúc nào. Cơn giận trào lên, mẹ chạy xuống bếp lục lấy cái roi quất lia lịa. Nhưng mẹ đâu có biết rằng, anh hai trêu Thịnh lấy son tô tranh tặng mẹ làm mẹ vui nên cậu bé răm rắp làm theo, biết đâu là trận đòn roi sắp ập xuống.
Mẹ Thịnh lúc đó đang bảo vệ công trình nghiên cứu khoa học bậc tiến sĩ, bố Thịnh là kiến trúc sư ngập đầu với công việc. Cả hai người đều mải mê theo đuổi sự nghiệp, gần như khoán việc chăm sóc, nuôi nấng lại cho cô Ba, người giúp việc ở cùng nhà đã được 5 năm.
Số bữa cơm mà cả gia đình cùng quây quần đếm trên đầu ngón tay. Những câu hỏi thăm bố mẹ dành cho hai anh em Thịnh cũng qua loa, thay vào đó là điểm số, thi cử và những lời giáo huấn nặng nề nếu Thịnh có lỡ bị cô giáo nhắc nhở chuyện học hành.
Nhiều lúc Thịnh gọi điện cho bố mẹ để khoe mới được điểm cao môn Toán hay lọt vào đội tuyển toán của trường để đi thi cấp Quận nhưng chưa kịp nói hết câu, đầu dây bên kia đã tắt máy. Dần dần, Thịnh không còn ham khoe thành tích với bố mẹ, cũng chẳng buồn chủ động trò chuyện với ai trong gia đình.
Cho đến một hôm, bố mẹ Thịnh nhận được cuộc gọi từ cô giáo, Thịnh bị bạn đánh chảy máu đầu. Bố mẹ hối hả vào viện. Nhìn Thịnh run bần bật nhưng không khóc, nằm co ro mặt đầy máu trên giường, nhưng ám ảnh hơn là lời chẩn đoán của bác sĩ. Thịnh bị tự kỷ dạng nhẹ và cần chữa trị sớm nếu không muốn ảnh hưởng tới sức khỏe lẫn học tập.
Hóa ra, những trận đòn roi từ ba mẹ, sự vô tâm nhận lại đã nhào nặn một cậu bé lanh lợi, hiếu động thành một người lì lợm, nhút nhát, trong giờ không chịu phát biểu, giờ nghỉ không chịu chơi với ai. Thịnh bị các bạn lớp khác bắt nạt nhưng em cũng không dám nói với ai, bị trấn lột, trêu ghẹo đến nỗi sợ hãi một thời gian dài mà trong nhà không ai biết. Người lớn dường như đã tạo cho em một ấn tượng, họ không muốn nghe điều em nói, chỉ muốn nghe điều họ muốn.
Chữa trị cho Thịnh là một hành trình dài và đầy khó khăn. Bố mẹ Thịnh lúng túng không biết phải nói gì, làm gì với em, một đứa trẻ rơi vào trầm cảm vì cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Những câu chuyện hỏi han ngọng nghịu, thời gian dành cho Thịnh dù có nhiều hơn nhưng ba mẹ cậu bé vẫn bị phân tâm vì công việc.
“Em chỉ muốn nghe ba mẹ hỏi hôm nay con có vui không, thay vì hôm nay con được điểm mấy. Em muốn mẹ lắng nghe em nói thay vì mẹ chỉ dạy em phải làm gì. Và em chỉ mong mẹ bỏ điện thoại xuống khi ngồi cạnh em”, Thịnh rụt rè chia sẻ.
Những điều Hưng Thịnh mong muốn nghe qua thật đơn giản, nhưng suốt quãng thời gian đi học, em chẳng nhận được. Đến khi lên đại học, Thịnh vẫn là một cậu bé nhút nhát, không muốn nói chuyện với ai, vùi đầu vào truyện tranh và không có lấy một người bạn. Cũng không thể phủ nhận những cố gắng mà ba mẹ Thịnh đã làm, điều trị với bác sĩ tâm lý, khuyến khích em tham gia nhiều hoạt động xã hội, đầu tư giải pháp bảo hiểm khám nội trú ngoại trú như một khoản tiết kiệm cho em sau này đi du học hay có điểm tựa bảo vệ sức khỏe nếu một ngày ba mẹ có già yếu đi và không thể bên cạnh em. Nhưng tất cả cũng khó lấy lại được tuổi thơ thiếu tiếng cười và sự quan tâm của bố mẹ.
Câu chuyện buồn của Hưng Thịnh không phải hiếm ngày nay. Dưới áp lực của xã hội, bố mẹ ngày càng xa rời những đứa con nhỏ của mình. Nếu bố mẹ đang có những biểu diện dưới đây thì cần xem xét và thay đổi để không đánh mất đứa con bé nhỏ của mình:
1. Bố mẹ mắng mỏ, rầy la con suốt ngày
Bố mẹ có thói quen chửi mắng, quát tháo, xúc phạm con sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách của con trong tương lai. Cụ thể là khi lớn lên con sẽ có cách cư xử không đúng mực, hay hỗn hào, gây sự, đánh nhau, thậm chí bị trầm cảm. Thay vì quát mắng, ba mẹ nên nhẹ nhàng nồi xuống nói chuyện với con và làm gương cho con noi theo.
2. Bố mẹ cầm điện thoại liên tục khi ngồi với con cái
“Ôm” điện thoại khi bên cạnh con không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động tới sự phát triển não bộ của con. Thêm nữa, ba mẹ sẽ lỡ mất những khoảnh khắc tình cảm với con khiến chúng thu mình, tạo khoảng cách hơn.
3. Bố mẹ độc đoán
Bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con, nhưng có những đứa trẻ thích ứng được, có đứa không. Chi bằng để con phát triển theo đúng sở trường và khả năng của con thì tương lai con mới thành công và hạnh phúc.
4. Bố mẹ lạnh lùng, ít nói
Bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con cái. Đây vừa là thời gian riêng để cả hai hiểu nhau hơn và chia sẻ mọi điều với nhau. Khi con nhỏ, bố mẹ ít nói chuyện thì con thành ra chậm nói. Lớn lên, con chỉ thích một mình, cả ngày lầm lũi thành ra nhút nhát.
5. Bố mẹ hay dùng đòn roi để dạy dỗ con
Bố mẹ nào cũng thương con, chỉ vì lúc đó không kiềm chế được, bộc phát đánh con với suy nghĩ để rèn dũa con nên người. Tuy nhiên, trái với tác dụng răn đe, đòn roi khiến con bị ảnh hưởng tâm lý và thể chất nặng nề. Con có nguy cơ tăng động, dễ nổi nóng và nhiều biểu hiện tiêu cực khác.
6. Bố mẹ không động viên con sống tự lập
Hưng Thịnh ít khi được ba mẹ cho ra ngoài trời vì sợ bị ho, sổ mũi hay giao lưu với bạn bè cùng trang lứa vì sợ con bị bắt nạt. Vì thế, Thịnh bị còi xương, mỗi lần thấy người lạ là lại nép vô người mẹ, đi học thì lầm lì một chỗ không chịu chơi với ai. Bố mẹ ấp ủ, giúp đỡ con từng li từng tí thì con trẻ lớn lên sẽ thụ động, tự ti, dựa dẫm, thiếu kỹ năng sống.
Một đứa trẻ lớn lên không thành công trong cuộc sống, luôn chán nản, buồn bã, dễ bỏ cuộc rất có thể đó là do hậu quả từ cách cư xử của bố mẹ trong quá khứ. Hãy thực sự ở bên con để cùng con trưởng thành chứ đừng để con cô đơn trong chính vòng tay của bố mẹ.