Khi gõ cụm từ “bỏ phố về quê” trên thanh tìm kiếm, Google trả ra hơn 25 triệu kết quả về những câu chuyện rời thành phố về quê lập nghiệp của nhiều người trẻ. Đáng nói, đây là xu hướng không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà nó còn bùng nổ trên toàn thế giới sau đại dịch Covid-19. Dưới đây cũng là một câu chuyện thú vị về một cô gái 27 tuổi, quyết định từ bỏ những xa hoa nơi phố thị để trở về thành cô gái miền núi chân chất, giản dị.
Nhắc đến chủ đề rời thành phố về quê, có lẽ chúng ta không còn quá xa lạ với những video của cô gái An Đen qua những thước phim về miền đồng quê gần gũi, bình dị. Cô gái nhỏ bé chân quê ấy đã truyền cảm hứng đến biết bao người trên khắp mọi miền tổ quốc chỉ qua những câu chuyện quá đỗi đơn sơ của mình. Hay xa hơn là những video của “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất đã làm dậy sóng thế giới suốt một thời gian vì những thước phim đẹp đẽ, sống động về cuộc sống đồng quê tại Trung Quốc.
Có lẽ những chính câu chuyện “đời thực” ấy đã chạm đến trái tim của Thu Hà – cô gái 27 tuổi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Giang. Dẫu đang có một công việc thật tốt ở một tập đoàn lớn tại Sài Gòn, Thu Hà vẫn luôn nung nấu ước muốn được trở về quê nhà phát triển du lịch. Và đại dịch Covid-19 chính là cú hích lớn để cô quyết định từ bỏ thành phố trở về quê nhà. Những ngày ở nhà làm việc từ xa, Hà hiểu rõ cảm giác thoải và hạnh phúc biết bao khi mỗi ngày không phải thức dậy thật sớm, lúi húi nấu vội gói mì và rồi phóng thật nhanh trên con xe Honda trong dòng đầy đường khói bụi. Có lẽ, thành phố không phải là nơi dành cho Hà, dù Sài Gòn đã cho Hà nhiều cơ hội.
Và rồi Hà chọn lựa nghe theo trái tim. Từ bỏ công việc, từ bỏ cuộc sống nơi thành phố để trở về với Hà Giang, nơi Hà lớn lên và luôn tìm thấy niềm an yên khi ở đó.
Ở ngưỡng tuổi 27, Hà hiểu rằng mình không còn quá trẻ để vô tư trải nghiệm và mắc sai lầm. Hà có gia đình là bố mẹ và các em. Gánh nặng cơm áo gạo tiền với Hà không lớn bằng những kỳ vọng mà gia đình đặt lên Hà. Hà đã nghĩ về những ngày bố mẹ Hà hạnh phúc và tự hào biết bao khi con gái được vào làm việc tại một tập đoàn lớn. Vậy mà cô gái nhỏ bé giờ đây lại lựa chọn một con đường khác, con đường dẫn Hà trở về với Hà Giang.
Và đó là lý do mà Hà đã dành suốt một thời gian dài để chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc. Một hành trang gói gém đầy đủ cả vật chất và tinh thần. Hà biết, sự chuyển dịch nào cũng khó khăn và đầy thử thách. Nó không còn là cuộc dạo chơi như khi Hà còn là một cô sinh viên. Hà luôn tự nhắc nhở bản thân không cho phép mình được buông lỏng kỷ luật. Và cô gái 27 tuổi đầy bản lĩnh đã viết ra một danh sách dài những việc cần làm trước khi “bỏ phố về quê” theo công thức 5W – 1H.
Đầu tiên, “What – Cái gì”, cô đặt những câu hỏi để bản thân đưa ra câu trả lời. Mong muốn của cô hiện tại là gì, liệu thực sự cô muốn làm gì, rồi viễn cảnh sau khi về quê được 1 năm – 3 năm tới 5 năm? Khi về quê rồi, cô cần ghi chi tiết các công việc phải làm theo thứ tự ưu tiên. Để làm được việc đó, Hà cần chuẩn bị những vật dụng thiết yếu, những khoản tiền dữ trữ, sức khỏe thể chất, tinh thần và những mối quan hệ khác hỗ trợ trong cuộc sống. Bản thân cô bạn cũng tự mình nhận ra những thử thách, khó khăn và bản thân sẽ gặp phải để xác định tinh thần ứng phó.
Với câu hỏi “When – Khi nào”, Hà cũng tự xác định thời gian sẽ tiến hành kế hoạch mình đặt ra, ví dụ như khi nào chính thức rời thành phố, lúc nào bắt tay vào xây dựng thương hiệu du lịch. Hà tự ấn định thời gian để kế hoạch thành hiện thực. Nhiều lúc yếu lòng, Hà lại giở cuốn sổ ghi kế hoạch của mình và tự tìm câu trả lời cho những băn khoăn tại sao cần có sự thay đổi này, đây là thời điểm thích hợp để thay đổi hay không, còn công việc khác mình có thể làm khi về quê. Những lý lẽ này biện giải cho câu hỏi “Why – Tại sao”.
Hà hiểu rằng, muốn đi xa và tránh vấp phải những thất bại không đáng có, cô cần tham khảo ý kiến của người đi trước. Danh sách quý giá đó được ghi chú cẩn thận thứ tự người có thể đưa cho lời khuyên, giúp đỡ khi khó khăn, hỗ trợ về mặt ngân sách. Danh sách này để trả lời cho câu hỏi “Who – Ai”.
“Mình sẽ làm việc ở đâu khi về quê? Kênh truyền thông nào sẽ sử dụng phục vụ công việc”, Hà ghi lại tỉ mỉ trong mục “Where – Ở đâu”. Hà cũng không quên lập kế hoạch cụ thể sẽ triển khai, chi phí dự kiến và xử lý khủng hoảng khi xảy ra. Kế hoạch này để trả lời cho câu hỏi “How – Làm thế nào”.
Sau khi trả lời được hết tất cả những câu hỏi và chuẩn bị hành trang đầy đủ, Hà quyết định dừng công việc, đặt một chuyến bay ra Hà Nội để bắt đầu cuộc hành trình trở về miền đất Hà Giang xa xôi, nơi có những ngọn đồi hùng vĩ tuyệt vời. Trên chuyến xe dài 8 tiếng, Hà không ngừng suy nghĩ về những ngày được lên đồi, được trồng những loài cây mình thích, cùng bà con sửa sang lại đường xá, xây lên những quán cafe nhỏ để phát triển du lịch hỗ trợ bà con.
Hà đã nghĩ vậy. Cô biết, những bước đi đầu tiên luôn là khó khăn nhất. Những thông báo đầu tiên luôn khó mở lời nhất. Và Hà đã mất vài tháng loay hoay để thích nghi với cuộc sống mới. Từ cô gái mỗi ngày đều diện những bộ đồ công sở ôm bó với nhiều lớp trang điểm, Hà trở thành cô gái miền núi chân chất, mỗi ngày diện những bộ đồ giản dị, thoải mái. Cũng cô gái ấy, mỗi ngày đều mệt mỏi chìm đắm trong công việc với những áp lực từ cấp trên, từ đồng nghiệp, giờ đây Hà cười nhiều hơn và nói nhiều hơn.
Mỗi ngày cô cùng người dân trong bản vào rừng, Hà bắt đầu với những video tự quay đơn giản về cuộc sống nơi miền núi vất vả nhưng tràn ngập tiếng cười. Tiếp đó, mỗi tuần cô tổ chức họp dân bản để chia sẻ nhiều về du lịch, giúp mọi người hiểu được lợi ích của du lịch và dần dần bắt tay vào làm. Mỗi tuần, Hà lại có một video gửi đến những khán giả yêu du lịch, yêu thiên nhiên. Đó là những thước phim về cuộc sống nơi miền núi, những thước phim về sự vất vả của người dân miền núi và sự tận tâm của họ với từng chi tiết, từng địa điểm du lịch. Hà cùng những người dân bản làng dậy từ 3h sáng, cùng nhau làm đường, cùng nhau bê những thanh gỗ thật lớn để làm những chiếc ghế, những chiếc bàn gỗ phục vụ khách du lịch.
Sau gần 6 tháng làm cùng người dân, Hà bắt đầu nhận được những tin nhắn khích lệ đầu tiên từ mọi người khắp mọi miền tổ quốc, sau đó là những cuộc gọi đặt tour du lịch, đặt quảng cáo,… Sau gần 6 tháng, Hà nhận được những đồng tiền đầu tiên đến từ đam mê thực sự của mình. Hà đã rất hạnh phúc.
Điều đầu tiên cô làm với những đồng tiền kiếm được là tự đăng ký cho mình một gói bảo hiểm tai nạn để phòng ngừa những rủi ro, cũng như đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân Hà. Những ngày bắt tay vào làm việc, Hà mới thực sự thấu hiểu nỗi cực nhọc và vất vả của những người làm nông. Nó khó khăn và nhiều rủi ro hơn những gì Hà nghĩ. Do đó, lựa chọn bảo hiểm tai nạn là cách khiến Hà cảm thấy yên tâm hơn cho bản thân. Cô cũng đặt quyết tâm sẽ mua cho bà con trong bản mỗi người một gói bảo hiểm tai nạn khi có đủ điều kiện.
Cô gái Thu Hà mỏng manh nhưng mạnh mẽ sẽ tiếp tục cuộc hành trình thực hiện ước mơ của mình trên chính mảnh đất mình sinh ra. Rồi tới đây, sẽ còn nhiều những thước phim đẹp đẽ và chân thực hơn nữa về mảnh đất Hà Giang hùng vĩ với những con người thân thiện và đầy lòng nhân ái của Hà. Cùng đợi xem cô gái sẽ chứng minh với thế giới như thế nào nhé.