Ba từng là một người bình thường, không có hoài bão lớn lao. Nhưng từ khi đón con chào đời, ba biết mình đã là người đàn ông mang trong mình một trách nhiệm vĩ đại.
Ba còn nhớ như in ngày đón con chào đời là một đêm mưa tầm tã. Đứng trước cửa phòng cấp cứu, ba cứ đi tới đi lui chẳng yên. Ánh mắt ba liên tục nhìn về phía cửa, chưa bao giờ ba cảm thấy hồi hộp và lo sợ đến thế.
Khoảnh khắc bế con trên tay, nghe tiếng con khóc, trong lòng ba như trút bỏ được gánh nặng, ba cất tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ba đã nghĩ rất nhiều cái tên hay để đặt cho con, nào là Minh Trí, Quốc Hưng, Phan Minh, nhưng mẹ con không mong con quá vĩ đại, mẹ bảo chỉ mong con được lớn khôn khỏe mạnh, biết cách đối nhân xử thế, làm những việc có ích cho đời. Đó là lý do vì sao con có tên là Nguyễn Đức Huân – Đức trong phúc đức, nhân hậu, Huân trong công lao, thành tích.
Khi xưa nhà ta còn nghèo khó lắm con ạ! Ba mẹ phải đi làm thuê cho người ta, tích góp mãi mới mở được gian hàng tạp hóa nho nhỏ. Việc buôn bán chẳng mấy thuận lợi, một món đồ chỉ lời được vài trăm đồng. Nhìn nhà mình còn bao nhiêu chi phí phải lo, tiền sữa, tiền tã, tiền sinh hoạt cái gì cũng đắt đỏ. Ba để lại cửa hàng tạp hóa cho mẹ quản lý và trông con, còn ba lên thành phố kiếm thêm đồng bạc để cả nhà không phải thiếu thốn.
Cuộc sống chốn thành thị khi ấy dồn dập lắm, để kiếm được tiền, ba phải nghe người ta khinh miệt, chửi mắng, phải làm mọi việc mà người ta yêu cầu, từ công nhân xưởng gỗ, làm gương, xây nhà. Có lúc ba tưởng như mình kiệt sức, đôi vai ba đau mỏi, bàn tay ba trầy trụa. Nhưng nhớ đến tiếng bập bẹ gọi ba ơi của con, ba biết mình càng phải nỗ lực, phải cho con cuộc sống tốt hơn.
Sống xa nhà thường xuyên, đôi lúc ba cũng sợ rằng con không nhớ mặt mình. Qua những bức thư mẹ gửi, ba thở phù nhẹ nhõm khi biết con thường xuyên nhắc tới ba.
Sau vài năm bôn ba trên đất người, tích lũy được số tiền kha khá, ba quyết định về nhà để tìm công việc khác, ổn định và gần hai mẹ con hơn. Bước vào tới ngõ, ba chỉ mong được ôm con cho thỏa nỗi nhớ. Vừa thấy ba, đôi mắt con hơi ầng ậc nước, con khóc òa lên ôm chầm lấy chân mẹ. Nhìn con nức nở, ba bối rối chẳng biết nên làm gì cho phải, đôi chân ba như bị cái gì đó trói chặt một chỗ, chẳng thể đến dỗ dành con.
Nhìn con đứng nép bên mẹ, ba nhận ra con đã khôn lớn từ lúc nào. Chẳng còn nét bụ bẫm, tinh nghịch, con trai của ba bây giờ đã cao lớn, rắn rỏi hơn.
Ba nghe chiều nào tắm rửa xong con cũng chạy vội sang nhà cu Tí hàng xóm, nó có cái đĩa CD bộ phim hoạt hình mà con thích lắm. Ba hỏi con hay là ba con mình đi mua bộ phim đó nhé! Dù giận ba nhưng ánh mắt con chẳng thể giấu đi niềm phấn khích, ngại ngùng gật đầu đồng ý.
Nắm đôi bàn tay bé nhỏ đi qua những con đường bằng đất ra đến chợ. Đôi mắt nhỏ của con cứ dáo dác ngó quanh, con ngập ngừng nói nhỏ hỏi ba: “Sao lâu vậy ba không về? Bạn con nói ba không thương con nên không muốn về gặp con”. Giọng nói con trong trẻo mang theo chút buồn bã làm ba chợt chạnh lòng. Mong cho con cuộc sống tốt, ba ra sức làm việc mà chẳng nhận ra điều con cần nhất là được có ba bên cạnh, con không muốn thấy ba qua những lời mẹ kể, con muốn được ba cõng trên vai, cùng nhau tới trường mỗi sáng như bao bạn khác.
Ba trách thời gian sao trôi qua nhanh quá, con trai ba giờ đã khôn lớn, trưởng thành. Năm 25 tuổi con quyết định dùng số vốn ít ỏi, tiếp nối cửa hàng nhà mình, phát triển thành siêu thị.
Cuộc sống bận rộn khiến con trở nên kiệm lời hơn hẳn. Sau giờ làm việc về nhà con cứ ngồi mãi ở trong phòng, đến bữa ăn con chỉ muốn ăn thật nhanh để tiếp tục công việc. Nhìn con thức khuya, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, ba thường xuyên mang vào trái cây, sữa để con không bị mất sức. Nhưng tiếng gõ cửa cốc cốc của ba làm con bị phân tâm, công việc gián đoạn làm con cáu gắt. Hai ba con mình ngày càng xa cách khi ở chung nhà mà chẳng có lấy vài lần trò chuyện.
Những hôm trời trở lạnh con bắt gặp chân ba bị sưng tấy, các khớp ngón chân đau nhức làm ba chẳng thể đi lại. Nhìn con lo lắng, vội vã bỏ cả công việc mà chở ba đi khám làm ba cảm thấy cảm động. Ba biết căn bệnh của mình, ba mắc bệnh gout đã lâu, cơn đau cứ bất chợt xuất hiện, hành hạ ba cả thời gian dài. Bác sĩ nói ba phải điều trị, theo dõi thường xuyên nhưng vì sợ con tốn tiền nên ba đã từ chối.
Ba nói con rằng tuổi ba đã già, chẳng sống được bao lâu, đau nay nhức mai là chuyện thường tình. Thật ra, ba sợ trở thành gánh nặng cho con, kiếm đồng tiền chẳng phải việc dễ dàng, đôi lúc còn bị người đời mắng chửi, khách hàng làm khó, cơn đau của ba chẳng đáng để con tốn tiền.
Nghe lời ba nói, con đi thẳng về phòng và khóa trái cửa. Đã 2 ngày rồi ba và mẹ chẳng gặp được con, mẹ đã gõ cửa nhiều lần nhưng con bảo con bận. Ba nghe mẹ nói dạo này siêu thị đang gặp vấn đề về bên nhập hàng, cần con giải quyết gấp. Thấy con điên cuồng làm việc mà nhịn ăn, nhốt mình trong phòng, ba sợ con xảy ra chuyện gì.
Đứng trước cửa phòng con, ba gọi khẽ “Huân ơi! Con nói chuyện với ba được không?”. Đáp lời bên kia là một chuỗi dài im lặng, mãi 5 phút sau ba mới nghe tiếng bước chân con tiến lại gần cửa, mở khóa.
Nhìn giấy tờ vứt lăn lóc dưới sàn, chiếc rèm nơi cửa sổ phòng con đã đóng tự bao giờ, chẳng có chút ánh sáng nào lọt vào. Ngồi sau lưng con, ba cảm nhận rõ được sự cô đơn, mệt mỏi. Chất giọng khàn khàn, yếu ớt cất lên: “Ba chưa bao giờ muốn biết con đang nghĩ gì sao?”. Câu hỏi bất chợt nhưng làm ba điêu đứng. Đã lâu lắm rồi hai ba con mình chưa trò chuyện, vì con quá bận nên ba chẳng dám làm phiền. Ngày xưa ba biết con thích mua đĩa CD, thích hát líu lo mỗi ngày, thích được ba cõng trên vai. Còn bây giờ, ba chẳng còn biết con thích gì cả.
Có lẽ ba cứ đau đáu mong rằng con sống tốt, sợ tuổi già của ba sẽ gây gánh nặng lên tuổi trẻ của con mà quên đi con đang cần gì ở ba mẹ. Con tặng cho ba một món quà sức khỏe, cho ba tham gia vào bảo hiểm sức khỏe khám nội trú ngoại trú để ba có thể yên tâm chữa bệnh, ở bên con thật lâu.
Món quà con tặng tuy nhỏ nhưng ba cảm nhận tình yêu chan chứa bên trong nó là vô giá. Cảm ơn con trai của ba, dù sau này con có trở thành thế giới của ai khác, có là ba của ai đi nữa thì con vẫn mãi là đứa con trai bé bỏng mà ba yêu nhất trên đời.