25 tuổi chúng ta mơ nhiều tiền trong ví, sổ tiết kiệm 9 con số, nhà cao cửa rộng, xe đưa đón. Sức khỏe nghiễm nhiên được xếp thứ 3 thậm chí thứ 4 trong danh sách việc ưu tiên. Biến cố ập tới, chúng ta lại chỉ ước “giá như” thêm thời gian cho bản thân và gia đình.
Nguyễn Thu Hương là con cả trong gia đình ba thế hệ. Được định hướng du học và định cư nước ngoài, Thu Hương xa gia đình từ khi học cấp 2. Ba mẹ Thu Hương được điều động vào công tác phía Nam, ở Hà Nội giờ chỉ có hai ông bà sống với nhau. Mỗi cuối tuần, cả gia đình ngồi quây quần gọi video call để hỏi thăm sức khỏe của nhau.
Nhịp sống bận rộn và trái múi giờ tại Mỹ khiến Hương thưa dần những cuộc điện thoại với gia đình. Có khi mẹ gọi là cô bạn đang đi xem phim với bạn, khi thì đi bảo tàng hay đi công tác với công ty. Vài dòng tin nhắn hỏi thăm cũng giảm dần theo ngày tháng. Càng nhủ lòng cố gắng hơn nữa, Hương càng bỏ qua sức khỏe của mình. Những đêm thức hôm “cày” cho kịp tiến độ, bữa ăn nhanh nhiều dầu mỡ và đồ ngọt trường kỳ khiến Hương bị béo phì cấp độ 3 và tiểu đường.
Hương không dám thông báo với gia đình tình trạng của mình, nhưng cũng không làm gì để cải thiện mà chỉ biết uống thuốc để giảm triệu chứng. Đại dịch COVID-19 quét qua, du lịch mở cửa trở lại, Hương quyết định bí mật đặt vé về mà không báo với cả nhà.
Kéo chiếc vali nặng trĩu qua tới cửa, lòng Hương phấn chấn biết bao nhiêu thì khi vào nhà, mọi niềm vui bỗng chốc tan biến. Bà Hương bị đột quỵ đã được 6 tháng, mọi người tưởng bà không qua khỏi, sợ Hương bị phân tâm nên không báo. Trong những cuộc điện thoại, Hương cũng không chú ý tới nét mặt thay đổi của bà và mọi người. Giờ bà có thể đi lại chậm rãi, tay giơ lên không quá đầu, một bên mặt khó có biểu cảm nhưng vẫn ăn uống được đã là một kỳ tích.
Nhìn hai hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bà, Hương nhẹ nhàng ôm lấy bà bật khóc. “Mình cứ nghĩ rằng đi làm kiếm thật nhiều tiền mang về cho gia đình đã là hạnh phúc, nhà có xe có tiền bạc rủng rỉnh là giàu có. Nhưng giờ mình chỉ mong bà thật khỏe mạnh, lần tới mình về vẫn còn được gặp bà là một niềm vui lớn nhất rồi”, Hương kể.
Trước ngày quay về Mỹ, Hương nghe được cuộc điện thoại của bà với người thân. Với bà, chỉ cần cháu khỏe mạnh, vui vẻ và yên bề gia thất là bà mừng rồi. Nhưng giờ đây cả nhà mỗi người một nơi, sức khỏe ngày càng yếu, bà không biết có kịp nhìn thấy cháu mình trong ngày cưới không. Niềm mong mỏi bình thường ấy lúc này lại là điều Hương không thể thực hiện ngay lập tức.
“Lúc đó mình chỉ ước giá như mình có thêm thời gian ở bên bà, có thêm thời gian để nấu thêm một bữa ăn ngon để bà khen mà khó khăn quá. Cày ngày cày đêm, áp lực tài chính không đè nặng như xưa mà giờ đây thấy mình nghèo quá, nghèo cả về tình cảm lẫn sức khỏe”, Hương bộc bạch.
Cùng chung tâm trạng giống Thu Hương, Trần Hải Đăng cũng quyết định đi làm xa nhà để tăng thu nhập. Là giám sát công trình được năm năm, Đăng đã quá quen với những chuyến ghé thăm nhà chớp nhoáng.
Là một người tiết kiệm, Đăng không mua sắm gì cho bản thân, toàn bộ thu nhập Đăng gửi về để ba mẹ thu xếp chuyện trong nhà. Cơm công trình thiếu thốn, cơm sống trộn chín, những hôm đi làm về trễ, Đăng tặc lưỡi ôm bụng đói đi ngủ. “Ngày đó, mình chỉ nghĩ cắm đầu làm việc, mục tiêu là làm việc còn sau này rủng rỉnh rồi thì chơi vẫn không muộn. Làm quên ăn quên ngủ đến nỗi sức khỏe đi xuống, bỏ lỡ mọi sự kiện quan trọng của bạn bè, thậm chí để người con gái mình thương bỏ đi mình nhận ra có những thứ quan trọng hơn tiền bạc”, Đăng kể lại.
Đăng bất ngờ bị tai nạn lao động trong khi đang giám sát công trình ngoài Phú Quốc. Bị chấn thương cánh tay và chân, Đăng nằm viện 2 tháng rồi được chuyển về nhà. Dù công ty cũng hỗ trợ phần nào nhưng trang trải viện phí cũng là một gánh nặng với gia đình anh. Sức khỏe vốn đã yếu, trải qua biến cố Đăng mất một thời gian dài để hồi phục.
Ba mẹ Đăng là lao động mất sức nghỉ hưu từ lâu, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phục thuộc vào cậu con trai. Giờ chủ lực tài chính nằm trên giường, quỹ tiết kiệm trong nhà dần vơi, ai cũng đầy lo lắng. Ba Đăng nhận chạy xe ôm công nghệ, ra khỏi nhà từ mờ sáng và chỉ về nhà khi phố xá vắng hoe. Mẹ Đăng nhận đóng gói bao bì sản phẩm thuê, ngồi cả ngày mỏi rã lưng cũng chỉ nhận được 50.000 đồng. Nhìn mẹ cặm cụi gấp từng cái hộp, Đăng nuốt nghẹn vào trong.
“Giá như trước đó mình nghĩ tới những nguồn tích lũy khác như các giải pháp bảo hiểm hỗ trợ chi trả viện phí, có lẽ bây giờ nhà mình cũng không đến lao đao. Nhìn ba mẹ tuổi này vẫn ra đường chắt chiu từng đồng nuôi gia đình, phận làm con như mình thấy xấu hổ vô cùng”, Đăng chia sẻ.
Yêu thương giờ đây với Đăng là một gánh nặng mà ngày ngày nằm trên giường anh chỉ biết gặm nhấm và trách bản thân không nghĩ tới cách tích lũy, những “phao cứu sinh” lúc gặp hoàn cảnh ngặt nghèo từ sớm. Trong trường hợp của Đăng, giải pháp bảo hiểm khám nội trú ngoại trú cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ kịp thời để cả gia đình nhẹ gánh tài chính cũng như âu lo để vượt qua khó khăn.
Tuổi trẻ hãy cứ dấn thân, cứ xông pha nhưng hãy tìm hành trang tin tưởng, những nguồn tích lũy và giải pháp đầu tư cho sức khỏe chính mình và người thân để bàn chân không quá thấm đau vì những mũi gai trên con đường hướng tới thành công.