Được nhờ vả một công việc có thể làm bạn cảm thấy được công nhận và đánh giá cao khả năng. Chính những suy nghĩ đó trong nhiều trường hợp khiến bạn dễ dàng chấp thuận. Tuy nhiên ít người biết rằng, hơn cả việc được ghi nhận chính là việc bạn đang bị vắt kiệt sức lức cho mục đích của người khác.
Khi còn là một đứa trẻ, Ngọc Nghi (22 tuổi) được mọi người đánh giá rất hiểu chuyện bởi lẽ cô chưa bao giờ biết từ chối yêu cầu của bất kỳ ai. Dù chuyện lớn hay nhỏ khi qua tay Nghi đều được cô hoàn thành đâu vào đấy khiến ai nấy đều gật gù tán thưởng, và cũng vì vậy đã khiến cho số lần mọi người nhờ vả cô ngày càng nhiều hơn.
Trong khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, Nghi thường được bạn bè gọi vui là “thần đèn” vì cứ ai cần sự giúp đỡ, cô đều không ngại ra tay đỡ đần từ việc xách cặp phụ hay làm bài tập dùm. Đối với Nghi, việc tương thân tương ái một phần vì là việc nên làm, một phần cũng vì bản thân cô rất sợ phải nhìn thấy người khác phật lòng.
Trong suy nghĩ non nớt của Nghi, chỉ cần cô làm tốt những việc được nhờ cậy, mọi người sẽ nhận ra sự tốt bụng của cô mà từ đó sẽ yêu quý cô hơn. Nhưng không giống với những gì Nghi kỳ vọng, khi cô càng cố gắng chứng minh bản tính tốt đẹp của mình thì tình cảm giữa Nghi và mọi người xung quanh càng mỏng manh như sợi chỉ, dễ đứt đoạn.
Cô luôn cảm giác tất cả mối quan hệ của mình đều được gắn kết bởi tính cách tốt bụng. Không ai thật sự thích cô, họ chỉ đơn giản thích cách cô giúp đỡ họ mà thôi. Có một lần, chỉ vì cảm thấy bản thân không được khỏe, Nghi đã đánh bạo từ chối đạp xe chở bạn về mà từ đó cũng bị người bạn ấy “cạch mặt”. Không những thế, cô ấy còn nói xấu Nghi cho những người bạn cùng lớp và thường xuyên bày xướng cho cả lớp gọi cô là “con nhỏ giả tạo”.
Điều đó đã tạo nên một cú sốc lớn trong lòng Nghi. Cô không hiểu tại sao bản thân lúc nào cũng hết lòng vì người khác nhưng chỉ cần một lần từ chối, họ sẽ xem cô như một công cụ mất đi giá trị lợi dụng.
Từ đó, Nghi dần nhận ra bộ mặt trái của việc quá lạm dụng lòng tốt nhưng đâu đó trong cô luôn tồn tại một nỗi bất an, sợ bản thân nếu không còn tốt bụng nữa thì liệu mọi người có ai yêu quý cô không hay cũng sẽ giống như người bạn kia, luôn tìm cách nói xấu cô vì cho rằng việc giúp đỡ họ là nghĩa vụ cô phải thực hiện.
Lòng tốt đối với Nhi giờ đây như một áp lực vô hình đè nặng trong tâm trí, nó không còn xuất phát từ sự thiện nguyện nữa mà trở thành giá trị con người cô mà mọi người có thể tùy ý đánh giá. Như vậy, để có thể làm vừa lòng người lòng người khác, cô chỉ có thể làm mọi việc thật tốt và đặc biệt là không được phép nói không nếu không muốn có xung đột xảy ra.
Đến khi đã là một cô gái ngoài đôi mươi, bản tính tốt bụng ấy vẫn gây cho Nghi không ít rắc rối. Trong thời gian làm việc, cũng chỉ vì không biết cách từ chối, Nghi thường xuyên phải nhận thêm những công việc “không tên” từ đồng nghiệp.
Dù công việc chính ở vị trí nhân viên Marketing nhưng không ít lần Nghi phải kiêm luôn cả phần hỗ trợ những việc khác vì được nhờ vả. Đôi lần, đồng nghiệp nhìn thấy cô đang lọ mọ ở khu vực in ấn để in những bản thảo thay cho chị thư ký bị đau chân hay đôi khi lại gặp cô đang khệ nệ xách thùng nước do anh đồng nghiệp đang bận chạy dự án. Người người trong công ty đều biết điều đó nhưng vì ai cũng nghĩ đó là việc thường tình của Nghi nên ai nấy đều chẳng mảy may quan tâm ngay khi sức khỏe tinh thần của Nghi ngày càng sút giảm trầm trọng.
Vào một buổi trưa mùa hè nóng nực, Nghi cảm thấy sức khỏe trong người không được tốt nhưng bản thân lại ngại từ chối lời nhờ cậy của chị đồng nghiệp bàn bên về việc giúp chị soạn lại tủ hồ sơ công ty. Nghĩ thầm rằng công việc này đơn giản, bản thân sẽ có thể hoàn tất nhanh gọn nên Nghi dành cả giờ nghỉ trưa để làm cho xong rồi dự định sẽ xin sếp nghỉ sớm dưỡng sức.
Có lẽ vì nhiều đêm mất ngủ để làm việc kèm theo sức khỏe không tốt, khi đang lấy
chồng hồ sơ trên kệ xuống, mọi thứ trước mắt Nghi bỗng nhiên tối sầm lại khiến cô loạng choạng, vội vịn ngay chiếc bàn gần đó để không ngã ra đất. Cảm thấy bản thân không còn chút sức lực nào, Nghi cố gắng gọi từng tiếng ngắt quãng hy vọng có ai đó sẽ đến ứng cứu. Cũng vừa may có một tốp đồng nghiệp đi ăn trưa mới về, nghe thấy tiếng gọi của Nghi liền lật đật chạy vào kho để dìu Nghi ra ngoài.
Cô được đưa vào bệnh viện không lâu sau đó và được bác sĩ chẩn đoán bản thân bị suy nhược cơ thể do làm việc quá độ. Tuy tình trạng không có gì là nguy hiểm nhưng cô vẫn phải ở lại bệnh viện truyền nước biển và theo dõi sức khỏe cẩn thận, cũng như đổ tiền cho các loại thuốc bổ giúp tăng sức đề kháng trong người.
Chị gái của Nghi sau khi hay tin em mình nhập viện vì làm việc quá sức liền tất tả chạy ngay tới. Nhìn thấy khuôn mặt tái xanh hốc hác của cô em gái tốt bụng đến ngốc nghếch, chị không ngừng xót thương xen lẫn tức giận bởi cái thói “lo chuyện bao đồng” của Nghi. Cô vốn biết bản tính “ngại từ chối” của em nhưng chưa bao giờ cô lại ngờ được nó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe giảm sút ở Nghi.
Để giúp người em gái yêu quý thoát khỏi gọng kiềng của sự tốt bụng thái quá, chị gái quyết định đưa Nghi tham gia các lớp học tâm lý để giải mã những suy nghĩ sai lầm của cô về sự tốt bụng. Chị đồng thời mua tặng cho Nghi gói bảo hiểm nội ngoại trú của Bảo Việt An Gia như một cách nhắc nhở Nghi phải biết quan tâm chăm sóc sức khỏe chính mình.
Về bản thân Nghi, sau thời gian được trợ giúp bởi các bác sĩ tâm lý và chị gái, cô dần nhận ra giá trị thật sự của bản thân, chứ không phải là lòng tốt mà mọi người luôn trông đợi. Từ khi nhận ra chân lý ấy, cuộc sống của Nghi trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn. Cô giờ đây không phải chịu áp lực phải làm vừa lòng ai và cũng dần có thời gian chăm sóc bản thân hơn khi biết nói không với những đòi hỏi quá sức.
Nghĩ lại những khoảng thời gian nỗ lực chạy theo “lòng người”, Nghi bất giác mỉm cười thầm trách mình ngốc nghếch. Rõ ràng tuy bây giờ có thể mạnh dạn từ chối đề nghị của người khác nhưng xung quanh cô vẫn có những người bạn, người chị đáng quý. Họ luôn yêu thương Nghi vì chính bản thân cô, chứ không phải là những lợi ích mà Nghi có thể trao. Quả thật, chỉ khi ta biết cách từ chối thì cuộc sống mới có thể dễ dàng được.