Bệnh ung thư được coi là một trong “tứ đại nan y”, là mối lo lắng, quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Ngoài sự hỗ trợ tích cực từ việc điều trị của ngành y tế, thì bảo hiểm y tế được xem như thẻ “cứu cánh” cho người bệnh hiểm nghèo, đây cũng chính là giải pháp đặc lực trong bài toán viện phí với nhiều người bệnh, đặc biệt là những người bệnh ung thư, giúp họ yên tâm hơn trong quá trình điều trị.
Để biết mức chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư như thế nào? Cùng Medplus tìm hiểu qua bài viết bên dưới đây nhé.
1. Chế độ bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014 thì
“Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”
Quỹ bảo hiểm y tế là sự đóng góp, chung tay của cộng đồng để giúp đỡ những gia đình người bệnh, đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Khi tham gia bảo hiểm y tế, người bệnh được thăm khám tại các cơ sở y tế với mức chi phí 80-100% nếu đúng tuyến và 30-70% nếu trái tuyến.
Bảo hiểm y tế vẫn luôn được xem là giải pháp hỗ trợ đắc lực trong bài toán viện phí với người bệnh, đặc biệt là những người bệnh nghèo và bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, ung thư.
Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
“Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.”
Theo đó, nếu người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Thông tư 14/2016/TT-BYT quy định về danh mục bệnh chữa trị dài ngày thì bệnh ung thư thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Theo đó, căn cứ vào mục 2 Công văn số 1660/BHXH-THU quy định đối với trường hợp người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng do mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày quy định:
“Kể từ ngày 01/01/2015, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, thì đơn vị và người lao động không đóng BHXH, BHYT, BHTN; người lao động được cơ quan BHXH đóng BHYT. Cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT có mã thẻ BHYT khác cho người lao động thuộc đối tượng trên.”
Như vậy, nếu người lao động bị ung thư và đang trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi đi điều trị bệnh ung thư thì Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên đó và sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế có mã thẻ riêng dành cho người lao động này trong thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc danh mục cần được điều trị dài ngày và vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
2. Mức chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư
Nếu đã tham gia BHYT, tất cả bệnh nhân (bao gồm cả người bị ung thư) khi đi khám chữa bệnh (KCB) sẽ được Qũy BHYT thanh toán theo phạm vi và mức hưởng theo Khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 như sau:
2.1. Khám chữa bệnh đúng tuyến
Bệnh nhân sẽ được thanh toán trong phạm vi BHYT chi trả với tỷ lệ:
- 100% chi phí KCB: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí KCB: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
- 80% chi phí KCB: Đối tượng khác.
Hiện nay, số lượng người bị ung thư trên cả nước đang có xu hướng tăng và trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Trong đó, phần lớn người bệnh thuộc nhóm được chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư thuộc nhóm này có thể được hưởng quyền lợi cao hơn nếu tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở. Khi đó, người bệnh sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được BHYT thanh toán.
*KCB: khám chữa bệnh
2.2. Khám chữa bệnh trái tuyến
Trường hợp tự đi khám, điều trị ung thư không đúng tuyến, vượt tuyến, người bệnh chỉ được thanh toán theo mức hưởng đúng tuyến với các tỷ lệ nhất định. Mức chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư như sau:
- Bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
- Bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;
- Bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB
2.3. Được hỗ trợ một phần chi phí KCB từ ngân sách
Nhằm chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân ung thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2012/QĐ-TTg, trong đó ghi nhận việc hỗ trợ một phần chi phí KCB cho bệnh nhân ung thư tại khoản 3 Điều 1 Quyết định này:
Hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg đối với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 01 triệu đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có bảo hiểm y tế; nếu có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ như khoản 3 Điều 4 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg.
Theo đó, mức chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư từ 01 triệu đồng/đợt KCB. Trường hợp có thẻ BHYT được thanh toán được hỗ trợ với phần đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.
Mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư này sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên khả năng cân đối ngân sách của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương. Qũy này được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương. Do đó, với mỗi tỉnh khác nhau, mức hỗ trợ chi phí KCB cho bệnh nhân ung thư có thể sẽ không giống nhau.
3. Kết luận
Ung thư được coi là loại bệnh nan y tiêu tốn rất nhiều chi phí điều trị trong thời gian dài. Tham gia bảo hiểm y tế chính là giải pháp tối ưu giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp người bệnh an tầm điều trị bệnh. Mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bệnh ung thư sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể.
Xem thêm
- [5/2022] Tại sao nên mua bảo hiểm ung thư ngay hôm nay?
- [4/2022] Phân loại các hình thức bảo hiểm cơ bản hiện nay
- [Cần đọc] Bảo hiểm bắt buộc cho người lao động gồm những loại nào?
- (2022) Có nên mua bảo hiểm sức khỏe khi đã sở hữu bảo hiểm y tế không?
- [Chia sẻ] Các loại bảo hiểm nên mua theo từng độ tuổi năm 2022
- [Quan trọng] Mua bảo hiểm trực tuyến có an toàn không?
- #2022 Mua bảo hiểm sức khỏe Trực tuyến hay Ngoại tuyến: Cái nào tốt hơn?
- #2022 Nên mua bảo hiểm nào để giảm rủi ro trong cuộc sống?
- #2022 Nên mua bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm y tế là tốt nhất?