Bảo hiểm xã hội tự nguyện – một khái niệm còn khá mới lạ vì độ phổ biến chưa thật sự rộng rãi. Vậy bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì và cách dùng ra sao, để Medplus giải đáp cho bạn ngay nhé!

Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện) là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì

Căn cứ theo Khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/ 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

2. Những chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ Điều 4, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất. BHXH bắt buộc người lao động sẽ được hưởng các chế độ bao gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

Dễ dàng nhận thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện cung cấp ít quyền lợi hơn cho người tham gia khi đã loại trừ các trường hợp mà BHXH bắt buộc cung cấp như thai sản, tai nạn lao động hay các căn bệnh gây ra trong quá trình làm nghề,…

Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế thì vẫn có các lợi ích to lớn mà mọi người nên lưu tâm. Vậy nên nếu không thuộc đối tượng mua BHXH bắt buộc thì bạn nên tham gia BHXH tự nguyện để có thêm một phòng tuyến cho sức khỏe và tính mạng của mình.

3. Những quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

3.1. Những quyền lợi chung khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mặc dù bị hạn chế về mặt quyền lợi nhưng những người lao động tự do vẫn được hưởng các lợi ích cơ bản như sau:

– Được nhận sổ BHXH và thông báo kỳ hạn đóng tiền của Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

– Người đóng BHXH không liên tục thì thời gian tính hưởng chế độ BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện dừng đóng BHXH tự nguyện mà chưa hưởng chế độ hưu trí thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH để sau này hưởng các chế độ.

– Người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định thì được hưởng các quyền lợi:

+ Chế độ hưu trí: hưởng lương hưu hàng tháng, hưởng BHXH một lần.

+ Chế độ tử tuất: Trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần.

Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ngoài ra, bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có thêm những quyền lợi khác cho người sử dụng như:

+ Thu nhập đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

+ Lương hưu và trợ cấp BHXH không bị đánh thuế.

+ Lương hưu được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

+ Người hưởng lương hưu không phải đóng Bảo hiểm y tế mà vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

3.2. Hạn mức cụ thể tại một số chế độ

3.2.1. Với chế độ hưu trí

Khi đã nghỉ hưu, người lao động sẽ nhận được lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH.

Sau đó cứ mỗi năm thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, từ năm 2022 bạn phải đóng tiền BHXH tự nguyện đủ 20 năm mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Trong trường hợp người lao động chưa đóng đủ 20 năm BHXH đã đến tuổi về hưu có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.

3.2.2. Với chế độ tử tuất

Với chế độ này, người tham gia sẽ được nhận 2 lần trợ cấp, cụ thể

Trợ cấp mai táng

Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.

Trợ cấp tuất

Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:

  • 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
  • 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
  • Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;
  • Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:

  • 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
  • Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.

4. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

4.1. Mức đóng

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ Điều 87, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết mức đóng bảo hiểm xã hôi tự nguyện cho người lao động như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

4.2. Phương thức đóng

Người lao động có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau đây:

Đóng hằng tháng;

– Đóng 03 tháng một lần;

– Đóng 06 tháng một lần;

– Đóng 12 tháng một lần;

– Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

– Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Về việc thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện:

+ Người đang tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

+ Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này mà đủ điều kiện đóng một lần cho những năm còn thiếu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm) thì được lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi đủ điều kiện mà không phải chờ thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

* Thời điểm đóng BHXH tự nguyện thực hiện như sau:

– Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;

– Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;

– Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;

– Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

– Thời điểm đóng BHXH đối với trường hợp đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu được thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.

– Quá thời điểm đóng BHXH theo quy định mà người tham gia BHXH tự nguyện không đóng BHXH thì được coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng BHXH tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH với cơ quan BHXH. Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng.

4.3. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

– Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

+ Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

+ Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

– Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

– Phương thức hỗ trợ:

+ Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu;

+ Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ (mẫu D06-TS), gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

5. Thủ tục và địa điểm đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện

  • Thành phần hồ sơ

Người tham gia sẽ nộp 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau

– Người tham gia chưa có mã số BHXH: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

+ Trường hợp người tham gia đã được cấp mã số BHXH: ghi mã số BHXH vào các mẫu biểu tương ứng.

– Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).

  • Nơi tham gia đăng ký

Người lao động sẽ đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện tại một trong hai nơi dưới đây:

– Cơ quan BHXH các cấp;

– Đại lý thu (UBND xã nơi cư trú, Bưu điện…).

6. Tạm kết

Trên đây là các thông tin cơ bản về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy vậy, với quyền lợi còn hạn chế thì người lao động nên kết hợp với các dịch vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm thai sản, bảo hiểm sức khỏe để tăng lợi ích và đảm bảo nhiều hơn về quyền lợi bản thân.

Medplus hân hạnh tư vấn các thắc mắc của bạn tại đây!

Trả lời