Đó là một nghề không được đào tạo chuyên môn, không hợp đồng cũng chẳng có lương thưởng nhưng lạ thay, một nửa thế giới này tự nguyện đón nhận. Câu chuyện về nghề “làm mẹ” của Nguyễn Thu Trang chắc hẳn sẽ khiến mọi người thấy một vài hình ảnh bản thân mình ở trong đó.
Nguyễn Thu Trang trở thành một người mẹ khi đang có một sự nghiệp rực rỡ. Thu Trang tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Ngay từ năm thứ 4 đại học, cô đã được nhận làm cộng tác của nhiều tờ báo uy tín như Thanh Niên, Sinh viên Việt Nam. Với giọng văn sắc sảo, nhanh nhạy tìm đề tài mới, không ngại dấn thân và khả năng ăn nói khéo léo, Trang được lòng của các anh chị phóng viên trong tòa soạn.
Ra trường, Trang thi và trúng tuyển ngay vào Thông tấn xã Việt Nam, một điểm dừng chân mơ ước của bao phóng viên trẻ. Với các mối quan hệ có được trước đó, Trang dần dần kết nối với nhiều anh chị phóng viên “lão làng” trong nghề, được đi tác nghiệp cùng và học hỏi được nhiều kinh nghiệm nên kỹ năng nghiệp vụ của cô được nâng cao.
Con đường sự nghiệp của Trang ngày càng rộng mở khi cô được lọt vào danh sách “hạt giống” được đi tu nghiệp tại nước ngoài. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có màu hồng, chính lúc ấy cô phát hiện mình đã có thai. Vội vàng lấy chồng, mọi dự định sự nghiệp của Trang tạm gác lại để lo cho gia đình và bắt đầu hành trình làm mẹ.
Không còn váy áo điệu đà, nước hoa thơm phức hay sải bước trên đôi giày cao gót quyến rũ, Trang “trung thành” với những cái đầm bầu rộng thùng thình. Không còn tác nghiệp những đề tài gai góc như ngày trước, thương hiệu của cô phóng viên năng nổ ngày nào mai một dần. Nhìn những bạn trẻ khác mới vào nghề làm được nhiều đề tài hay, được cất nhắc vào vị trí mình từng có mà Trang nén lòng nghĩ tới đứa con. “Chỉ cần con khỏe mạnh, sau này làm lại cũng chưa muộn”, Trang tự dặn lòng mình.
Không chỉ gác lại công việc, sắc đẹp, sở thích cũng bị Trang lãng quên. Tóc cô không còn tạo kiểu cầu kỳ, quần áo cũng chẳng hề tôn lên 3 vòng quyến rũ. Chẳng còn túi xách hàng hiệu, mỹ phẩm hay trang sức đắt tiền, cô chỉ còn đếm xem còn bao nhiêu tiền để mua tã, bỉm, đồ dùng chuẩn bị đón em bé chào đời thật đầy đủ. Đồ cũng phải là hàng mới nhất, được nhiều mẹ bầu truyền tai nhau mua, dù có đắt tiền hay hàng ngoại nhập cô cũng cố gắng sắm cho bằng được.
Công việc trong tòa soạn bộn bề, nhiều khi phải thức khuya mới hoàn thành, ăn uống cũng không được đầy đủ nhưng Trang không nghĩ nhiều ngoài việc cố gắng tích góp để cho em bé chuẩn bị chào đời.
Hai vợ chồng đều làm báo nên thời gian bận bịu bài vở đôi khi cuốn hai người xa nhau. Những lúc một mình, nhìn vào trong gương thấy một người phụ nữ lạ lẫm, tóc không kịp chải gọn gàng và rụng đi nhiều, quần áo nhăn nhúm, mặt mũi nở to, vòng 2 không còn thon thả, Trang bật khóc nức nở.
Nhưng cú sốc tinh thần lớn nhất với cô và gia đình nhỏ của mình khi tình cờ phát hiện Trang thuộc chủng máu Rh- hiếm, nếu sinh con có nhiều khả năng gây tan máu ở trẻ sơ sinh. Hối hận vì không đi khám kĩ càng lúc mang thai, Trang chạy vạy khắp nơi gặp các bác sĩ nhi để hỏi cặn kẽ nhưng câu trả lời nhận được thật sự đau lòng, khả năng sống sót của thai nhi không cao, mà nếu có sinh ra cũng mang dị tật.
Áp lực viện phí cho em bé trong bụng, áp lực bệnh tật con phải gánh nếu ra đời khiến chồng cô rối trí, đau đớn tận tâm can. Những lúc yếu lòng, anh xin lỗi cô vì đã không chuẩn bị chu đáo cho sức khỏe của cả hai trước khi có con, thậm chí, có đôi khi anh đã nghĩ tới tình huống xấu nhất.
Kiệt quệ tinh thần nhưng lý trí và tình cảm của người mẹ mách bảo Trang phải vững vàng cho cả cô và chồng mình. Cô quyết định vẫn sinh đứa con trong bụng và sẽ cố gắng hết sức để chạy chữa cho con dù có phải gán nợ toàn bộ tài sản.
Mọi sự cố gắng, mọi lời nguyện cầu của Trang đã được đền đáp. Cậu bé Tùng đã cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh. Nhìn con, Trang nuốt nước mắt vào bên trong. Niềm vui và đau đớn như cào xé tim gan cô. Tùng là niềm hy vọng và tình yêu của hai vợ chồng cô nhưng hành trình dành sự sống cho con vẫn còn rất dài. Tùng bị dị dạng hộp sọ, bác sĩ thông báo con sẽ phải mổ hộp sọ khi đủ một tuổi.
Khi một tuổi con có đủ sức khỏe để mổ không hay ai sẽ là người mổ hộp sọ cho con đây, rồi tiền viện phí ra sao… hàng ngàn câu hỏi nảy ra trong đầu. Cô tự trách mình, nếu ngày đó tự bảo vệ sức khỏe bản thân, dành một khoản chi phí cho giải pháp bảo hiểm thai sản có lẽ bây giờ gia đình không đến nỗi khốn đốn nhường này.
Câu chuyện của Thu Trang có thể sẽ rất khác nếu như cô có sự chuẩn bị cho sức khỏe bản thân từ sớm, tìm tới những điểm tựa tài chính vững vàng như bảo hiểm thai sản để hỗ trợ trong những hoàn cảnh bất ngờ xảy đến.
“Nghề” làm mẹ không hề dễ dàng. Đó là chuỗi ngày lao động không ngừng nghỉ suốt 365 ngày trong năm, 1 tuần 7 ngày, 1 ngày 24 giờ và không hề có nghỉ phép. Vậy hãy chuẩn bị hành trang thật tốt, những công cụ hữu ích để phục vụ đắc lực cho quá trình làm mẹ, bởi mỗi lần con mỉm cười, những cái nắm tay thật chặt, những giấc ngủ ngon khi con no sữa, nhìn con trưởng thành qua từng ngày bình yên, ấm áp đã là món quà vô giá của mẹ, là động lực để mẹ tiếp tục cố gắng trong suốt cuộc đời.