Lối sống tiết kiệm chưa bao giờ bị đánh giá là xấu, thế nhưng tiết kiệm quá mức lại gây ra những hậu quả khó lường.
Tiết kiệm là đức tính tốt mà chúng ta được giảng dạy từ bé. Đối với chúng ta, tiết kiệm thường là không bỏ tiền mua những món đồ quá đắt, không cần thiết, không vứt bỏ những món đồ còn dùng được, không lãng phí tiền vào các mối quan hệ… Nhân vật trong câu chuyện dưới đây cũng đã từng có lối suy nghĩ này và dẫn đến các hậu quả khó lường.
Chị Phạm Tuyết Hoa, 30 tuổi, là nhân viên văn phòng và cũng là mẹ của hai con nhỏ. Chị chủ động tiết kiệm ngay từ khi mới lập gia đình. Với chị tiết kiệm không chỉ để làm quỹ dự phòng mà còn là phương án làm giàu an toàn và hiệu quả.
Đồ đạc trong nhà chị chỉ mua những vật dụng cần thiết, tranh thủ thời gian rảnh rỗi mỗi tối mà làm việc nhà để giảm chi phí thuê người giúp việc. Dù vất vả nhưng chị khá hài lòng với điều đó khi mỗi tháng đều tiết kiệm được một khoản tiền từ lương của 2 vợ chồng. Nhìn con số trong tài khoản tiết kiệm tăng lên mỗi tháng chị không khỏi vui mừng.
Nhưng khi dịch bùng lên, cả thành phố phong tỏa, hai vợ chồng chị chật vật mưu sinh. Chồng chị phải làm việc tại nhà và chỉ được nhận 85% lương. Còn công ty chị thuộc lĩnh vực làm đẹp, các chi nhánh spa bắt buộc đóng cửa. Những người nhân viên văn phòng như chị cũng phải chịu chung cảnh nghỉ không lương.
Thu nhập gia đình chị Hoa giảm nhưng mức chi trả cho cuộc sống không ngừng tăng lên: tiền học cho con, khoản trả góp mua nhà, phí sinh hoạt… Nhìn tiền tiết kiệm bấy lâu đang bị rút dần, cảm giác lo lắng không ngừng nâng lên. Chị cảm thấy mình phải làm điều gì đó để cứu vớt nguồn tài chính gia đình và điều chị làm là thắt chặt hết mọi chi tiêu.
Trong nhà chị bắt đầu có những thay đổi lớn, thực đơn bữa ăn mỗi ngày bây giờ chỉ còn trứng, mì và rau, chị tự tay giặt đồ thay vì máy giặt, bộ quần áo của con đã cũ nhưng chị vẫn giữ lại, con cần sách mới để học thì chị sẽ tìm từ những ebook miễn phí, tuýp kem đánh răng đã hết nhưng chị vẫn cắt đôi ra để dùng. Đỉnh điểm là khi chị ra một loạt nội quy mà chồng chị phải ôm đầu than trời.
“Tắt đèn vào lúc 8h tối, nếu con học thì dùng đèn học.
Ăn uống phải tiết kiệm, hạn chế thịt, trứng, sữa.
Không được dùng tivi quá 2 tiếng một ngày.
Máy lạnh chỉ mở vào ban đêm.
…”
Nhìn chồng nhìn con khổ sở sống trong các quy định ngặt nghèo mà chị đưa ra, chị áy náy vô cùng. Lắm lúc chị nghĩ hay là mình cứ sống thoải mái để chồng con được vui và hạnh phúc mỗi ngày. Thế nhưng tin nhắn ngân hàng gửi đến thông báo số tiền trong tài khoản ngày càng giảm làm chị thôi ngay ý nghĩ đó.
Chất lượng cuộc sống giảm đi đột ngột, đứa con lớn của chị đổ bệnh. Bác sĩ trách chị không chăm sóc cho con chu đáo. Con đang tuổi ăn tuổi lớn, cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, môi trường sống cần được thoải mái thế mà chị lại bắt con ăn cơm chỉ với rau, phải ngồi học trong cái nóng ban ngày và đọc sách trong bóng tối ban đêm. Nhìn con nằm trên giường, chị lo lắng khôn nguôi và hối hận về lối sống “siêu tiết kiệm” của mình.
Không thể chịu nổi cảnh sống chắt chiu quá mức của vợ, hơn hết là xót xa cho con. Chồng chị quyết định cùng vợ ngồi xuống và tìm ra hướng giải quyết. Từ trước đến nay anh chưa từng phản đối việc tích lũy cho tương lai, nhưng sống thiếu thốn không thể là giải pháp. Điển hình là con vẫn còn đang nằm viện vì đời sống không được đảm bảo.
Chồng chị chỉ ra rằng những người tỷ phú trên thế giới cũng sống tiết kiệm, nhưng không đơn giản như thế. Warren Buffet có thể ăn một bữa ăn rẻ tiền nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, ở trong căn nhà đã mua từ lâu nhưng tiện nghi, chiếc xe hơi dù cũ nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Quan trọng hết là Warren biết rõ hình thức tiết kiệm giúp sinh lời nhất đó chính là đầu tư vào bản thân.
Sau những biến cố xảy ra, chị mới hiểu ý nghĩa của tiết kiệm là gì. Cố gắng tiết kiệm không thể làm chị giàu nhanh hơn, việc tiết kiệm quá mức làm cho cả chị và người thân trở nên tù túng, mệt mỏi. Nhưng nếu chị tiết kiệm bằng cách đầu tư thông minh thì hoàn toàn có thể.
Chị quyết định lên bảng kế hoạch tài chính cho gia đình và chia thành nhiều khoản chi phí nhỏ. Đặc biệt sau khi con đổ bệnh, chị hiểu rằng sức khỏe của con là một vấn đề lớn cần được đặt hàng đầu. Chị dành một ít tiền tiết kiệm để tham gia vào bảo hiểm sức khỏe. Điều này không chỉ giúp con chị được chăm sóc toàn diện, tiết kiệm được chi phí khi gặp các vấn đề sức khỏe. Thêm vào đó, chị cũng vứt bỏ được nỗi dằn vặt bấy lâu nay của mình mà an tâm hơn khi chăm sóc và chi tiêu cho gia đình.
Qua câu chuyện của chị Tuyết Hoa, chúng ta rút ra được bài học rằng tiết kiệm vốn là đức tính cao đẹp, thế nhưng thật tuyệt khi chúng ta biết cách tiết kiệm thông minh để có thể nâng cao đời sống mà không tốn quá nhiều tiền.